Tổng quan Môn cưỡi ngựa

Ngựa được sử dụng để chở người trên lưng thì được gọi là ngựa cưỡi. Từ lâu nay, việc cưỡi ngựa được dùng cho thời chiến tranh hay cho việc liên lạc thông tin và có lịch sử lâu đời gắn với quá trình thuần hóa ngựa. Ngày nay, các loại ngựa được lai giống để có thể phù hợp với công việc của chúng. Hoạt động cưỡi ngựa ngày càng chuyên môn hóa, bên cạnh kiểu cưỡi ngựa truyền thống của các dân tộc, vùng miền lãnh thổ thì các kỹ thuật hiện đại xuất hiện, kéo theo việc phát triển môn cưỡi ngựa thể thao cùng nhiều loại hình và lợi ích từ nó, và quá trình phổ quát hóa đã đưa nó vào bộ môn thi đấu tại Thế Vận hội như là một cuộc tranh tài đỉnh cao.

Lịch sử

Bài chi tiết: Thuần hóa ngựa
Phục dựng về kỵ sĩ người Hung với tài cưỡi ngựa đã gây khiếp đảm ở châu Âu thời cổ

Hoạt động cưỡi ngựa của con người diễn ra từ rất sớm, ngay từ lúc con người thuần hóa ngựa dùng để cưỡi. Ngựa được xem là đã được con người thuần hóa từ vùng đồng bằng mênh mông ở Trung Á. Có những bằng chứng cụ thể chắc chắn rằng con ngựa đã được cưỡi bởi những người thời cổ trong nền văn hoá Botai thời đại đồ đồng, khoảng 3600-3100 TCN. Bằng chứng sớm nhất cho thấy con ngựa đầu tiên được cưỡi vào khoảng năm 3500 trước Công nguyên, nơi có những bằng chứng từ những chiếc xương sọ ngựa được tìm thấy tại Kazakhstan.

Sau khi được thuần hóa và huấn luyện, ngựa được dùng để cưỡi trong các trận chiến đấu tranh thời đó. Trong những di tích mà người ta tìm thấy được, người Ai Cập cổ đại đã biết cưỡi ngựa ở 2000 năm trước. Tuy nhiên vào thời kỳ đó họ chỉ cưỡi trơn không yên cương và chưa biết cách điều khiển con ngựa. Họ ngồi chàng hảng trên mông ngựa hoặc xệch về phía vùng lưng ngực vì vào thời kỳ đó nhiều giống ngựa chưa đủ mạnh khỏe để có thể ngồi trên lưng. Phải đến khoảng thế kỷ thứ VIII trước công nguyên, sau khi lai nhiều giống ngựa khác nhau, người ta mới có được giống ngựa đủ tốt để cưỡi và đủ linh động để sử dụng cung tên khi di chuyển.

Người bộ lạc Sahrawi biểu diễn tại Lễ hội fantasiaTan-Tan, Morocco.

Tại Châu Âu, nghệ thuật cưỡi ngựa đã phát triển sớm từ thời Hy Lạp Cổ đại và được thế giới biết đến qua quyển thư tịch tối cổ thư “On Horseman” ghi chép về Mã Thuật của nhà văn Xenophon (430–345 TCN) vốn xuất thân từ giai cấp kỵ mã của kinh thành Nhã Điển. Thế vận hội thời Hy Lạp cũng đã có môn đua xe ngựa. Đến thời kỳ Phục Hưng (Renaissance), tại Ý đã xuất hiện trào lưu xem lại những nhận định của Xenophon về Mã thuật (Equestrianism) và từ đó bắt nguồn cho nền nghệ thuật cưỡi ngựa cận đại Châu Âu. Như vậy, cưỡi ngựa, với tính cách là một bộ môn thể quý tộc xuất phát từ Châu Âu, đã tồn tại qua hàng thế kỷ trước.

Vào thế kỷ thứ 18, một người Pháp tên Francois Robichon de la Guerinière (1688 -1751) được xem là người khởi đầu của nghệ thuật cưỡi ngựa cận đại vì ông này chuyên nghiên cứu những phương pháp huấn luyện nghệ thuật cưỡi ngựa và có tiếng trong sự nghiệp sưu tập, biên khảo những tài liệu về Mã Thuật. Sau đó, đến thứ kỷ thứ XIX thì một Mã thuật gia người Đức là Gustav Steinbrecht đã có công sáng chế những tư thế và động tác cơ bản cho nền nghệ thuật cưỡi ngựa hiện đại ở nước Đức, những phương pháp huấn luyện của ông Steinbrecht về các động tác lên yên, cưỡi ngựa, điều khiển ngựa cũng chính là nền tảng của môn “Cưỡi Ngựa Nghệ Thuật” hiện nay.

Qua quá trình vận động và phát triển môn cưỡi ngựa nghệ thuật ở châu Âu đã lan tỏa ra toàn thế giới, kéo theo sự xuất hiện của nhiều Hiệp hội về đua ngựa và cưỡi ngựa nghệ thuật. Ngày nay, Tổ chức vận hành các giải đấu Vô Địch Mã Thuật Phong cách Anh trên Thế Giới là Liên Đoàn Mã Thuật Quốc Tế (Fédération Equestre Internationale viết tắt là FEI), đặt trụ sở tại thành phố Lausanne ở Thụy Sĩ. FEI được các Hiệp Hội Mã Thuật của 8 quốc gia gồm Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Ý, Na Uy, Thụy Điển, Nhật BảnHoa Kỳ và được thành lập từ năm 1921. Hiện nay, FEI có 314 thành viên bao gồm các Hiệp Hội Mã Thuật của các quốc gia và khu vực.

Ngay cả hệ thống giải của Liên Đoàn Mã Thuật Quốc Tế-FEI cũng đã nói lên rằng đấy là một trò chơi sang trọng, đẳng cấp hơn là một môn thể thao thực thụ. Không có giải vô địch thế giới, nhưng có Cúp cưỡi ngựa nghệ thuật. Ngoài các cuộc thi tại Olympic, Liên quan FEI còn tổ chức riêng một đại hội là Olympic Cưỡi ngựa (Mã tài vận), cũng 4 năm tổ chức một lần. Trong khi đó, các giải đấu quốc tế của Mã Thuật Phong cách Miền Tây phần lớn đều do Liên Đoàn Mã Thuật Hoa Kỳ (United States Equestrian Federation–viết tắt là USEF) và Hiệp Hội Ngựa Quarter Mỹ (American Quarter Horse Association-viết tắt là AQHA) tổ chức và chủ yếu diễn ra trong phạm vi toàn quốc của Mỹ nhưng cũng có nhiều thành phần mở rộng.

Loại hình

Ngựa được huấn luyện và cưỡi cho các mục đích làm việc thực tế, chẳng hạn như trong công việc của cảnh sát hoặc để kiểm soát đàn vật nuôi trong trang trại, nông trường. Chúng cũng được sử dụng trong các môn thể thao cạnh tranh bao gồm, nhưng không giới hạn ở các nội dung trình diễn, cưỡi ngựa đường trường, thi đấu, đua xe ngựa kéo, biểu diễn nhảy ngựa, mã cầu (polo), đua ngựa, một số hình thức thi đấu phổ biến được gom lại với nhau tại các buổi trình diễn ngựa. Ngựa (và các đối tượng súc vật lao động khác như con la hoặc con lừa, lạc đà) được sử dụng để cưỡi giải trí không cạnh tranh như săn cáo, cưỡi ngựa đi dạo bách bộ ngoài trời (Riding outdoors).

Một thí sinh tham gia môn cưỡi ngựa trình diễn theo Phong cách miền Tây (Western riding)

Ngựa cũng được sử dụng cho mục đích trị liệu tâm lý, cả trong cuộc thi đua ngựa chuyên nghiệp cũng như cưỡi ngựa không cạnh tranh để cải thiện sức khỏe con người. Ngựa cũng được điều khiển trong thi đua xe ngựa, tại các triển lãm ngựa và trong các loại triển lãm khác như tái hiện lịch sử hoặc nghi lễ. Ở một số nơi trên thế giới, chúng vẫn được sử dụng cho các mục đích thực tế như cày cấy, thồ, chở, chăn thả gia súc. Ngựa tiếp tục được sử dụng trong dịch vụ công cộng: trong các nghi lễ truyền thống (diễu hành, đám tang), cảnh sát cưỡi ngựabộ đội biên phòng và để tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn.

Môn cưỡi ngựa là một trong những môn thể thao quý tộc có xuất xứ từ các nước châu Âu. Môn thể thao này đã có từ thời xa xưa cho đến nay vẫn được duy trì và phát triển mạnh. Đặc biệt trong thời gian gần đây nó bắt đầu du nhập vào Việt Nam, Trung Quốc và tạo nên sức hút mạnh mẽ, thể hiện đẳng cấp sang trọng, quý phái, mạnh mẽ, còn ở Hàn Quốc cưỡi ngựa đang được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên cưỡi ngựa được xem là môn thể thao quý tộc không dành cho mọi người do chi phí khá tốn kém. Hiện nay, Bộ môn cưỡi ngựa có một số dạng chủ yếu:

  • Cưỡi ngựa thể thao: Ngày nay có nhiều môn thể thao như Dressage (trình diễn), Nhảy cao và Eventing (tạm dịch là thể loại thử ngựa/toàn năng/mã thuật tổng hợp) có nguồn gốc từ trong chương trình huấn luyện quân sự, được tập trung vào việc phải kiểm soát và cân bằng giữa người cưỡi ngựa và con ngựa.
  • Môn thể thao nhảy ngựa (người cưỡi ngựa ngồi trên lưng ngựa giữ không bị rơi xuống khi ngựa tung nhảy) rất phổ thông ở Mexico, Tây Ban Nha hay Hoa Kỳ, Nam Mỹ, CanadaÚc hay thể thao theo phong cách săn bắn.
  • Trò đua ngựa: Đây là trò chơi thi đấu tốc độ giữa các con ngựa, đua ngựa được xem là có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, trò đua ngựa nó đem lại sự thích thú, sảng khoái và tiền bạc cho người các độ do đó ngựa có sức ảnh hưởng kinh tế lớn.
  • Cưỡi ngựa du lịch: Cưỡi ngựa còn được xem là một loại hình du lịch, ngựa thường được du khách chụp hình hoặc thử một lần ngồi trên lưng ngựa. Cưỡi ngựa cho loại hình du lịch này có 2 dạng là cưỡi ngựa tản bộ (Trail riding) hay cưỡi ngựa dã ngoại (riding outdoors) với đặc trưng là cưỡi ngựa đồi dốc hay và loại hình ngồi ngựa xe với số lượng người đông. Những con ngựa này được thuần hoá, được trang bị một bộ khớp (tức yên) tương xứng với cái mã của nó để làm người mẫu cho du khách đứng gần hoặc cưỡi tại các điểm tham quan du lịch.
  • Cưỡi ngựa nước kiệu (Trotter) hay cưỡi ngựa chạy: Cưỡi ngựa chạy một cách nhịp nhàng và êm, chủ yếu làm dáng. Các đạo diễn điện ảnh thường dùng môn thể thao này để thể hiện đẳng cấp của những nhân vật trong phim thuộc tầng lớp giàu có, bởi thực tế là chi phí cho nó rất đắt. Ngoài những phụ kiện vốn dĩ không hề rẻ, người chơi còn phải bỏ cả đống tiền ra tậu ngựa và nuôi dưỡng chúng. Theo Graemont, giá một con ngựa đẳng cấp thế giới dao động từ 125.000 cho tới 250.000 USD. Nhiều giống ngựa được lai tạo phục vụ cho nhu cầu này với dáng đẹp, chạy êm.

Lợi ích

Cưỡi ngựa được xem là môn thể thao đem lại nhiều lợi ích về thể chất

Cưỡi ngựa là môn thể thao mang lại rất nhiều lợi ích cho người học và người chơi, không chỉ về sức khỏe, tham gia môn thể thao cưỡi ngựa giúp mang lại cho người chơi những giờ phút giải trí thú vị thoải mái. Không chỉ đem lại những giờ phút giải trí và tập luyện nâng cao thể lực sau thời gian làm việc, học tập căng thẳng, cưỡi ngựa còn giúp người chơi được hòa mình vào thiên nhiên, đồng thời hạn chế được tác động từ mặt trái của những chiếc điện thoại thông minh, những chiếc máy tính bảng hiện nay và trở nên năng động hơn.

Đặc biệt hơn môn thể thao lâu đời này có rất nhiều lợi ích cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Cưỡi ngựa mang lại rất nhiều những lợi ích về sức khỏe tinh thần, loại bỏ những căng thẳng trong cuộc sống. Việc dành thời gian chăm sóc và cưỡi ngựa có thể giảm mức độ căng thẳng. Ngoài việc rèn luyện sức khỏe, môn thể thao cưỡi ngựa còn giúp các học viên có thêm tình yêu về động vật, hòa mình với thiên nhiên. Ngoài ra, môn thể thao này cũng được xem là một môn thể thao tập luyện giúp nâng cao thể lực cho người chơi.

Cưỡi ngựa là môn thể thao đòi hỏi người chơi phải biết tương tác với con vật. Nài ngựa phải học rất nhiều từ ngựa, từ cách ngồi thoải mái trên lưng ngựa cho đến việc phải hiểu tính nết của nó để điều khiển theo ý mình. Chính sự tương tác này giúp các học viên biết ứng xử bình tĩnh và kiểm soát tình huống tốt hơn. Loài ngựa, từ hàng thế kỷ qua, đã được biết đến là một loài vật có sự đồng cảm với con người, loài ngựa mang đến rất nhiều ý nghĩa trong cuộc sống, đặc biệt là các em nhỏ có vấn đề về tâm lý, tự kỷ khi cưỡi ngựa, sẽ giúp cho các em có những suy nghĩ tích cực hơn trong cuộc sống.

Cưỡi ngựa còn có thể phát triển thành một dạng liệu pháp giúp đỡ bệnh nhân có vấn đề về tâm lý. Tại Nicaragua, việc cho trẻ em khuyết tật cưỡi ngựa là liệu pháp độc đáo để trị bệnh cho các em. Với các em nhỏ bị tật ở chân, khi cưỡi ngựa sẽ có được những chuyển động trước, sau, trái, phải tương tự như khi đi bộ, giúp cải thiện khả năng vận động và sức khỏe, những bài tập trên lưng ngựa cũng có tác dụng nâng cao sự tự tin cho trẻ, giúp các em hòa nhập hơn với cộng đồng, tạo sự kết nối giữa trẻ và động vật, môn thể thao này hữu ích với các đối tượng trẻ em, nhất là các em nhỏ mắc bệnh tự kỷ bằng sự kết nối giữa trẻ em và những chú ngựa, chúng đã giúp cho những đứa trẻ này những kỹ năng trong cuộc sống khiến cho chúng hòa mình vào xã hội nhanh chóng.